0985 124 508
Siêu ÂM tuyến VÚ
1. SIÊU ÂM TUYẾN VÚ LÀ GÌ?
Siêu âm tuyến vú đã được áp dụng từ những năm 1950. Từ đó, siêu âm vú đã trải qua nhiều nghiên cứu và phát triển kỹ thuật để trở thành công cụ chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý tuyến vú từ lành tính đến ác tính.
Siêu âm vú sử dụng một đầu dò phát sóng siêu âm, chùm sóng đi xuyên qua cơ thể gặp những bộ phận khác nhau và sẽ tạo ra những âm phản xạ trở lại đầu dò, tín hiệu được khuếch đại và chuyển đổi tạo ra hình ảnh cấu trúc tuyến vú.
2. MỤC ĐÍCH CỦA SIÊU ÂM TUYẾN VÚ
Siêu âm tuyến vú được sử dụng để:
– Kết hợp với khám lâm sàng và chụp nhũ ảnh để chẩn đoán nhiều bệnh lý tuyến vú.
– Đánh giá khối u ở những trường hợp tổn thương không rõ bản chất trên nhũ ảnh, mô vú đặc, phụ nữ có thai và cho con bú.
– Chẩn đoán phân biệt cấu trúc bên trong của một khối là nang hoặc đặc.
– Theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật vú.
– Theo dõi các tổn thương nghi ngờ.
– Hướng dẫn chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA), sinh thiết, định vị phẫu thuật.
Siêu âm tuyến vú giúp đánh giá nhiều bệnh lý tuyến vú như:
– U lành tính: u sợi tuyến, u diệp thể, u nhú trong ống dẫn sữa, u mỡ, u sợi tuyến mỡ.
– Tổn thương dạng viêm do: viêm tia sữa, áp xe dưới quầng vú, giãn ống sữa, giãn ống nang, giãn ống tuyến, hoại tử mỡ, u dạng viêm, lao vú.
– Ung thư vú: ung thư biểu mô ống tuyến vú, ung thư biểu mô tiểu thùy, ung thư nguồn gốc mô liên kết (sarcom mạch máu, cơ trơn, diệp thể, bướu mô bào sợi ác).
– Nang vú.
– Nữ hóa tuyến vú.
– Chấn thương và tổn thương vú.
3. ƯU NHƯỢC ĐIỂM CỦA SIÊU ÂM TUYẾN VÚ
Siêu âm tuyến vú có các ưu điểm:
– Không xâm lấn, không đau.
– Không sử dụng tia bức xạ, an toàn cho phụ nữ mang thai và trẻ em.
– Cung cấp kết quả nhanh.
– Có thể quan sát chi tiết và toàn bộ cấu trúc vú.
– Khảo sát tốt các đối tượng có mô vú đặc.
– Định vị, sinh thiết vú dễ dàng.
– Chi phí thấp.
Nhược điểm của siêu âm tuyến vú:
– Hiệu quả siêu âm phụ thuộc nhiều vào bác sĩ thực hiện và đọc kết quả.
– Hạn chế khi siêu âm ở phụ nữ béo phì hoặc tạng vú mỡ (mô mỡ thâm nhập vào tuyến vú dễ chẩn đoán nhầm u vú).
– Hạn chế ở phụ nữ mãn kinh (sau mãn kinh, mô tuyến vú teo lại và được thay thế bởi rất nhiều mô mỡ).
4. KHI NÀO CẦN SIÊU ÂM TUYẾN VÚ
Phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh tuyến vú. Trong đó, các bệnh lý tuyến vú lành tính gia tăng ở tuổi 20 và ung thư vú ác tính gia tăng sau tuổi mãn kinh. Siêu âm vú có thể dùng được cho mọi đối tượng, đặc biệt là phụ nữ trẻ, phụ nữ đang mang thai và nam giới. Siêu âm vú thường được chỉ định trong những trường hợp:
Có triệu chứng của bệnh lý tuyến vú:
– Nhiễm trùng vú
– Đau vú không do kỳ kinh nguyệt, đau ở một hoặc cả hai bên
– Thay đổi màu sắc, hình dạng, kích thước như: ngực to lên hoặc teo lại bất thường, đỏ da, sưng, da sần sùi, núm vú tụt…
– Sờ thấy khối hoặc nốt ở vú
– Tiết dịch núm vú ở một hoặc cả hai bên, dịch tiết có màu trắng, vàng, xanh, có thể kèm theo máu
– Hạch dưới cánh tay
Có nguy cơ cao ung thư vú, cần kết hợp chụp nhũ ảnh hoặc MRI:
– Có kinh sớm, mãn kinh trễ
– Sinh con lần đầu ở tuổi trên 30 hoặc không sinh con
– Bị béo phì sau mãn kinh
– Tiền sử bị ung thư vú một bên
– Tiền căn gia đình có mẹ hoặc chị bị ung thư vú
– Tiền căn gia đình có người bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư nội mạc tử cung
– Bản thân hoặc thành viên trong gia đình mang đột biến gene BRCA1 hoặc BRCA2
5. QUY TRÌNH SIÊU ÂM TUYẾN VÚ
Khi siêu âm tuyến vú, bạn không cần chuẩn bị trước gì cả, chỉ cần thực hiện theo yêu cầu của bác sĩ. Quy trình siêu âm tuyến vú thường diễn ra như sau:
– Bệnh nhân nằm ngửa, để lộ vùng ngực và cánh tay, hai tay để ngang đầu.
– Bôi gel siêu âm lên vị trí cần siêu âm để đầu dò di chuyển dễ dàng, đồng thời giúp sóng siêu âm truyền đi tốt hơn.
– Sử dụng đầu dò đặt vuông góc với bề mặt da, di chuyển đầu dò khắp vú và hố nách.
– Ghi lại các hình ảnh bất thường và kết thúc quá trình siêu âm.
– Dùng khăn giấy lau sạch gel siêu âm.
Sau khi siêu âm vú xong, bạn có thể hoạt động bình thường ngay. Các chỉ định tiếp theo sẽ phụ thuộc vào kết quả siêu âm của bạn.
Siêu âm tuyến giáp
1. Siêu âm tuyến giáp là gì?
Siêu âm tuyến giáp là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh bằng cách sử dụng sóng âm, là việc các bác sĩ sử dụng đầu dò của máy siêu âm đặt ở vùng cổ, sau đó máy siêu âm sẽ cung cấp hình ảnh chi tiết về đặc điểm, tính chất của tuyến giáp và các cấu trúc lân cận ở cổ.
2. Vai trò của siêu âm tuyến giáp
Siêu âm cũng có thể được sử dụng để kiểm tra bệnh suy giáp hoặc cường giáp.
Siêu âm tuyến giáp là một phần không thể thiếu của quá trình khám sức khỏe định kỳ. Siêu âm có thể cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao của các cơ quan khác, giúp bác sĩ có thể hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bạn. Bác sĩ cũng có thể sẽ yêu cầu bạn làm siêu âm nếu bác sĩ nhận thấy có tình trạng sưng phù bất thường, đau hoặc nhiễm trùng để có thể phát hiện ra những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra những triệu chứng này.
Siêu âm tuyến giáp cũng có thể được sử dụng nếu bác sĩ cần tiến hành chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ (FNA) hoặc các mô xung quanh để kiểm tra.
3. Thực hiện siêu âm tuyến giáp như thế nào?
Siêu âm tuyến giáp thường được thực hiện trong thời gian khoảng 10-15 phút.
Khi siêu âm tuyến giáp người bệnh nằm trên một bàn kiểm tra và có thể được yêu cầu nằm nghiêng sang 2 bên hoặc nằm úp mặt xuống để hình ảnh siêu âm được rõ nét. Sau đó, bác sĩ sẽ bôi gel trong lên vùng cổ cần siêu âm và thiết bị đầu dò. Gel sẽ giúp đầu dò tiếp xúc an toàn với cơ thể và loại bỏ khí giữa đầu dò và da có thể chặn sóng âm thanh. Đầu dò được đặt trên vùng cổ và di chuyển qua lại trong khu vực cần kiểm tra.
Siêu âm tuyến giáp sẽ cung cấp tất cả các hình ảnh thực tế trong thời gian thực và hình ảnh thay đổi liên tục khi đầu dò di chuyển. Hình ảnh sẽ được thu lại lên màn hình máy siêu âm để bác sĩ quan sát các đặc điểm của vùng tuyến giáp và đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
Siêu âm Ổ BỤNG
1. Siêu âm ổ bụng là gì?
Siêu âm ổ bụng là phương pháp thăm khám, kiểm tra, đánh giá những tổn thương ở các cơ quan trong ổ bụng như: gan, mật, tụy, lách, thận, bàng quang, tuyến tiền liệt, tử cung, buồng trứng, u phúc mạc và u sau phúc mạc… Siêu âm ổ bụng còn giúp phát hiện các vấn đề về đường tiêu hóa như đau dạ dày, viêm ruột thừa, viêm ruột non, phì đại cơ môn vị.
Đây là một trong những hoạt động kiểm tra sức khỏe mà bạn cần tiến hành định kỳ, giúp phát hiện và tầm soát bệnh lý.
2. Siêu âm ổ bụng là siêu âm những bộ phận nào?
Siêu âm ổ bụng là siêu âm kiểm tra các cơ quan nội tạng bên trong ổ bụng như: gan, mật, tụy, lách, thận, bàng quang, tử cung-phần phụ, tuyến tiền liệt… từ đó các hình ảnh thu được phát hiện và chẩn đoán các bệnh lý như:
– Các bệnh về gan: gan nhiễm mỡ, áp xe gan, viêm gan mãn tính, xơ gan, các loại u gan lành tính và ác tính.
– Các bệnh về đường mật: viêm túi mật, polyp túi mật, sỏi mật, u đường mật, dị dạng đường mật.
– Các bệnh về tuyến tụy: viêm tụy cấp và mạn, các loại u tụy, bất thường tụy bẩm sinh như tụy vòng.
– Bệnh lý lách: lách to, lympho lách, áp xe lách, các u lách.
– Các bệnh ở hệ tiết niệu: sỏi thận, viêm thận, ung thư thận. Viêm bàng quang, sỏi bàng quang, ung thư bàng quang. Tắc nghẽn đường bài xuất như sỏi niệu quản, chít hiệu niệu quản, u đường bài xuất…
– Các bệnh về tiêu hóa: viêm ruột non, viêm ruột thừa, các khối u, lồng ruột, xoắn ruột.
– Các bệnh về sinh dục nam và nữ: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư buồng trứng, ứ mủ vòi trứng, viêm tiền liệt tuyến, ung thư tuyến tiền liệt.
– Các bệnh lý sau phúc mạc: u sau phúc mạc, xơ hóa sau phúc mạc.
– Kiểm tra dịch ổ bụng, khoang màng phổi…
3. Khi nào cần đi siêu âm ổ bụng
Siêu âm ổ bụng rất an toàn và không gây hại cho sức khỏe. Siêu âm ổ bụng giúp kiểm tra rất nhiều cơ quan bên trong ổ bụng. Đây là một trong những hoạt động thăm khám khi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bạn nên siêu âm ổ bụng từ 3 – 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện bệnh và những biểu hiện ban đầu của bệnh (nếu có).
Ngoài ra, bạn nên siêu âm ổ bụng khi thấy các dấu hiệu bất thường như: đau bụng, tiêu hóa kém, rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, sờ hoặc cảm nhận thấy có khối trong ổ bụng…