XÉT NGHIỆM Tiểu Đường THAI KỲ

1. Bệnh tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào

Bệnh tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao khi mang thai. Tỷ lệ tiểu đường thai kỳ chiếm khoảng 12% số phụ nữ mang thai. Các xét nghiệm sàng lọc tiểu đường thai kỳ được thực hiện ở tuần thai 24 – 28. Tuy nhiên với những mẹ đã có tiền sử tiểu đường trước khi mang thai sẽ được xét nghiệm sớm hơn.

Tiểu đường thai kỳ là một căn bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, tiểu đường thai kỳ sẽ gây nhiều tai biến trong quá trình mang thai và chuyển dạ, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con về sau. Các biến chứng tiểu đường thai kỳ nguy hiểm bao gồm: Nguy cơ tăng huyết áp, phù tay chân, tiền sản giật, nhiễm khuẩn tiết niệu,… ở mẹ. Nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh, vàng da sơ sinh, hạ đường huyết, bệnh đa hồng cầu, béo phì,…ở trẻ sơ sinh.

2. Quy trình xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Việc xét nghiệm thường được thực hiện vào buổi sáng khi chưa ăn uống gì hoặc sau nhịn ăn ít nhất 8 giờ (Từ 22H tối hôm trước và 8H sáng hôm sau. Ngoài ra ba ngày trước đó vẫn ăn chế độ tinh bột như bình thường).

Đầu tiên, kỹ thuật viên sẽ lấy một mẫu máu tĩnh mạch để xác định chỉ số đường huyết lúc đói. Sau đó, sản phụ được hướng dẫn uống 200ml nước có pha 75g glucose trong 3 đến 5 phút. Ngoài ra, không được hút thuốc, ăn, uống nước ngọt hay vận động mạnh gì trong lúc này. Sau đó 1- 2 tiếng, sẽ lấy thêm hai mẫu máu tĩnh mạch để đo đường huyết.

Kết quả bình thường là đường huyết:

– Lúc đói: Từ 3,6 – 6,4 mmol/L

– Sau khi uống glucose 1 giờ là dưới 10 mmol/L

– Sau 2 giờ là dưới 8,5 mmol/L

Sau khi làm xét nghiệm khoảng 1 tiếng, mẹ bầu sẽ được trả kết quả test dung nạp đường. Nếu như kết quả nằm trong nhóm có nguy cơ cao hoặc đang mắc tiểu đường thai kỳ thì các mẹ sẽ được bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng cũng như các phương pháp để kiểm soát tốt lượng đường trong máu.

Đăng ký ngay

 

 

XÉT NGHIỆM Nước Tiểu 10 ThÔNG SỐ

1. Ý nghĩa của xét nghiệm nước tiểu đối với mẹ bầu và thai nhi

Kết quả xét nghiệm nước tiểu ở thai phụ tiết lộ nhiều bệnh lý đe dọa đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai như:

1.1. Đái tháo đường

Khi mang thai, hàm lượng đường trong máu của người mẹ thường cao hơn để đảm bảo cung cấp nuôi dưỡng thai nhi. Vì thế hàm lượng đường trong nước tiểu của thai phụ cũng sẽ cao hơn. Tuy nhiên nếu chỉ số glucose trong nước tiểu quá cao, người mẹ có thể đang mắc tiểu đường thai kỳ, làm tăng nguy cơ tiền sản giật cũng như các biến chứng trong thai kỳ và chuyển dạ, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và em bé.

Tiểu đường thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt có thể khiến trẻ đối mặt với nguy cơ tiểu đường tuýp 2 sau sinh. Những vấn đề bệnh lý ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển và cuộc sống sau này của trẻ.

1.2. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường không có triệu chứng rõ ràng, nhiều thai phụ mắc bệnh nhưng không biết về tình trạng này của bản thân.

Sự xuất hiện của bạch cầu trong nước tiểu, pH tăng cao và Nitrite chỉ điểm tình trạng nhiễm trùng đường tiểu, lúc này mẹ cần được chỉ định dùng kháng sinh phù hợp để kiểm soát bệnh mà không gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến trẻ bị sinh non, nhẹ cân và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

1.3. Nguy cơ tiền sản giật

Tiền sản giật có thể gặp phải ở bất cứ thai phụ nào, nó có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của thai nhi nếu không kiểm soát bệnh tốt. Xét nghiệm nước tiểu đánh giá lượng Protein sẽ cho biết nguy cơ tiền sản giật và cao huyết áp ở phụ nữ mang thai. Những phụ nữ có nguy cơ tiền sản giật sẽ được theo dõi thăm khám thường xuyên hơn để kịp thời xử lý nếu có biến chứng xảy ra.

1.4. Các bệnh lý về thận

Xét nghiệm này cũng có thể phát hiện các bệnh lý về thận như viêm cầu thận, hội chứng thận hư,…

2. Mẹ bầu cần xét nghiệm nước tiểu khi nào

Xét nghiệm nước tiểu là một xét nghiệm thường quy được làm định kỳ vào mỗi lần mẹ bầu đi khám thai để loại trừ các bệnh lý ảnh hưởng đến thai kỳ.

Đăng ký ngay

 

 

XÉT NGHIỆM MÁU TỔNG QUÁT

1. Ý nghĩa của xét nghiệm máu khi mang thai

Xét nghiệm công thức máu khi mang thai là một kỹ thuật vô cùng quan trọng và cần thiết cho mẹ bầu và thai nhi. Vì ở mỗi giai đoạn khác nhau của thai kỳ, những phụ nữ có thai và đứa bé trong bụng mẹ phải đứng trước những nguy cơ bệnh lý khác nhau nên cần thực hiện xét nghiệm máu định kỳ để phát hiện sớm nhất có thể những trường hợp này để có sự can thiệp phù hợp, chẳng hạn như những bệnh lý viêm gan B, thiếu máu thiếu sắt, giang mai, hay nghiêm trọng hơn đó là HIV/AIDS.

Nhờ vào việc đọc kết quả xét nghiệm máu khi mang thai một cách chính xác, các bác sĩ sẽ có những chỉ định tiếp theo để củng cố chẩn đoán và đưa ra hướng xử lý phù hợp, có lợi cho mẹ và bào thai.

2. Các chỉ số trong xét nghiệm máu tổng quát

Các chỉ số xét nghiệm máu cho bà bầu cần thực hiện bao gồm:

Xác định nhóm máu:

Xét nghiệm này nhằm xác định nhóm máu của người mẹ là máu gì, để kịp thời truyền máu trong quá trình mang thai, đặc biệt là khi sinh nở vì rất dễ xảy ra hiện tượng thiếu máu, mất máu, băng huyết sau sinh…

Xét nghiệm yếu tố Rh:

Xét nghiệm nhằm kiểm tra người mẹ âm tính hay dương tính với yếu tố Rh-. Nếu người mẹ cho kết quả âm tính với Rh-, bố đứa bé dương tính với Rh- thì khả năng thai nhi sẽ dương tính với Rh-. Hậu quả là cơ thể người mẹ sẽ bắt đầu sinh ra những kháng thể làm phá hủy tế bào hồng cầu ở bào thai gây ra những tổn thương rất nghiêm trọng.

Xét nghiệm huyết đồ:

Đây là loại xét nghiệm máu khi mang thai dùng để xét nghiệm hàm lượng sắt có trong cơ thể mẹ, để xem có thiếu máu hay không, từ đó sẽ có chỉ định bổ sung thêm chất sắt. Xét nghiệm huyết đồ còn giúp phát hiện ra tình trạng hồng cầu bất thường gây ra những bệnh lý huyết học như bệnh tế bào hình liềm, Thalassemia… ở cả mẹ bầu và bào thai.

Xét nghiệm virus viêm gan B:

Nhằm xác định thai phụ có bị nhiễm phải virus viêm gan B hay không để giảm thiểu khả năng lây bệnh cho đứa trẻ trong bụng mẹ bằng cách tiêm phòng vắc – xin phòng viêm gan B ngay khi bé được sinh ra.

Xét nghiệm xoắn khuẩn giang mai:

Đây là loại xoắn khuẩn có thể nhiễm vào bào thai trong tháng thứ 5 của thai kỳ, hậu quả nghiêm trọng có thể làm dừng lại sự phát triển của bào thai, sinh non và chấm dứt thai kỳ. Ngoài ra, còn một số loại virus khác cũng cần được xét nghiệm để tránh khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đó là xét nghiệm virus Rubella, Cytomegalo…

Xét nghiệm virus HIV:

Đây là một trong những xét nghiệm máu cần làm nhất đối với phụ nữ, ngay từ lúc trước khi quyết định mang bầu. Nếu mang thai nhiễm HIV thì nên gặp bác sĩ điều trị để được tư vấn tìm hướng xử lý thích hợp.