0985 124 508
Khám hiếm muộn
1. Khám vô sinh hiếm muộn là gì?
Khám vô sinh hiếm muộn là những thăm khám kiểm tra sức khoẻ sinh sản của cả người nam và người nữ để tìm ra nguyên nhân tại sao bạn và đối tác không có thai dù có giao hợp thường xuyên không sử dụng biện pháp tránh thai an toàn trong một khoảng thời gian nhất định.
Trong quá trình khám hiếm muộn, nếu phát hiện nguyên nhân bác sĩ sẽ tiến hành lên phác đồ điều trị cá thể hoá với tình trạng bệnh lý của từng người để giúp vợ chồng sớm có con yêu.
2. Khi nào cần khám vô sinh hiếm muộn?
Khi nào nên đi khám vô sinh là thắc mắc của nhiều cặp vợ chồng. Theo các chuyên gia vô sinh hiếm muộn được xác định là tình trạng hai vợ chồng không thể có thai tự nhiên sau khi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp phòng tránh. Thời gian này được tính từ 1 năm (với phụ nữ dưới 35 tuổi) và 6 tháng (với phụ nữ trên 35 tuổi). Vì vậy nếu các cặp vợ chồng đang mong con nên đi thăm khám sớm để được tư vấn và điều trị.
3. Độ tuổi thăm khám tốt nhất
Vô sinh hiếm muộn điều trị càng sớm, tỷ lệ thành công càng cao, vì vậy những cặp vợ chồng mong con không nên trì hoãn thời gian thăm khám. Tuổi trẻ là yếu tố thuận lợi trong việc chữa vô sinh. Càng lớn tuổi phụ nữ và nam giới gặp nhiều vấn đề về sức khỏe sinh sản như ở nữ số lượng và chất lượng trứng sẽ giảm dần theo thời gian. Ở nam giới chất lượng và số lượng tinh trùng cũng sẽ suy giảm. Vì vậy nếu nghi ngờ sức khỏe sinh sản có vấn đề hai vợ chồng nên đi thăm khám sớm.
Theo các nghiên cứu, khoảng 85% phụ nữ sẽ mang thai tự nhiên trong 12 tháng đầu tiên. Nếu giao hợp không sử dụng biện pháp tránh thai nào trong 3 tháng đầu tiên khả năng mang thai là 25%. Tỷ lệ này sẽ sẽ giảm xuống còn 15% vào 9 tháng còn lại.
4. Khám vô sinh gồm những gì?
Để khám vô sinh, hai vợ chồng nên đi cùng nhau, người vợ có thể đi khám vào ngày 2 hành kinh hoặc ngày không có kinh, chồng nên kiêng xuất tinh từ 3-5 ngày trước khi đến thăm khám. Các bước khám vô sinh bao gồm:
4.1. Hỏi tiền sử bệnh
Bước đầu khi thăm khám vô sinh, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử sức khoẻ của hai vợ chồng, một số vấn đề bác sĩ muốn vợ chồng cung cấp thông tin bao gồm:
– Tiền sử bệnh lý gồm những bệnh đã, đang mắc phải, những phẫu thuật đã từng làm, các thuốc đang sử dụng
– Thói quen trong sinh hoạt như hút thuốc lá, rượu bia, từng sử dụng chất cấm, chất kích thích hay không?
– Môi trường làm việc có tiếp xúc với hóa chất, chất phóng xạ, bức xạ hay điện từ không?
– Hai vợ chồng đã từng làm các biện pháp hỗ trợ sinh sản trước đây hay chưa.
Bên cạnh đó bác sĩ cũng quan tâm đến đời sống tình dục của hai vợ chồng như:
- Các phương pháp tránh thai từng sử dụng trước đó
- Tần suất quan hệ trong một tuần của hai vợ chồng
- Có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường quan hệ tình dục không?
- Cả hai có gặp vấn đề khi giao hợp như đau, chảy máu hoặc có gặp vấn đề cản trở việc giao hợp không?
4.2. Khám vô sinh cho người phụ nữ
Để chẩn đoán vô sinh ở nữ, bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm và siêu âm như:
– Xét nghiệm nội tiết sàng lọc rối loạn nội tiết, đưa ra những phác đồ kích thích buồng trứng phù hợp
– Xét nghiệm AMH đánh giá dự trữ buồng trứng của người phụ nữ
– Xét nghiệm hormon tuyến giáp (T3,T4, TSH) đánh giá xem nguy cơ cường giáp, suy giáp, viêm tuyến giáp, những bệnh này có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai, tăng nguy cơ sinh non, thai lưu và sảy thai
– Siêu âm tử cung – buồng trứng: Để đánh giá số lượng trứng và độ dày niêm mạc tử cung
– Khám phụ khoa + soi cổ tử cung để kiểm tra các tổn thương tại cơ quan sinh sản
– Soi dịch âm đạo + Chlamydia để tìm tác nhân gây viêm
– Siêu âm thêm tuyến giáp, tuyến vú: Phòng ngừa các khối u, bệnh lý liên quan đến hai cơ quan ảnh hưởng đến quá trình mang thai
– Xét nghiệm máu tổng quát để đánh giá sức khỏe của mình, loại trừ các bệnh lý ảnh hưởng đến thai nhi sau này
4.3. Khám vô sinh cho người nam giới
Nam giới khi đến khám vô sinh cũng được thực hiện một số xét nghiệm và siêu âm để kiểm tra sức khỏe sinh sản bao gồm:
– Siêu âm ổ bụng đánh giá chức năng gan thận vì gan thận là cơ quan quyết định chất lượng sinh sản của nam giới
– Siêu âm tinh hoàn đánh giá cơ quan sinh sản
– Xét nghiệm tinh dịch đồ đánh giá chất lượng tinh trùng
– Xét nghiệm máu tổng quát để đánh giá sức khỏe của mình, loại trừ các bệnh lý ảnh hưởng đến thai nhi sau này
5. Cần chuẩn bị gì khi khám vô sinh hiếm muộn?
Để quá trình khám diễn ra thuận lợi và thu được kết chính xác nhất các cặp vợ chồng trước khi đi khám cần lưu ý những điều sau đây:
Đầu tiên, việc có con là câu chuyện của cả vợ và chồng, vì vậy khi đi thăm khám tốt nhất cả hai vợ chồng cùng đi. Người vợ có thể đi vào ngày 2 hành kinh hoặc ngày không có kinh, người chồng trước khi đi khám nên kiêng xuất tinh trước đó 3-5 ngày.
Thứ 2, chuẩn bị hồ sơ thăm khám cũ nếu có, đây là những thông tin quan trọng để bác sĩ đánh giá tổng quan về tình trạng của hai vợ chồng, tiền sử bệnh lý, đơn thuốc đã sử dụng, các tác dụng phụ từng xảy ra với cơ thể. Một số kết quả thăm khám xét nghiệm cũ nếu còn trong thời gian sử dụng bác sĩ sẽ không yêu cầu người bệnh thực hiện nữa và tiết kiệm được chi phí cũng như thời gian.
Thứ 3, chuẩn bị sức khỏe và tâm lý đây là hai yếu tố quan trọng. Hãy xem đây là đợt kiểm tra sức khỏe bình thường. Hãy trao đổi với bác sĩ về những vấn đề vợ chồng thắc mắc và hướng đi cho tình trạng của cả hai.
Thứ 4, hai vợ chồng nên thăm khám vào buổi sáng, lựa chọn những trang phục thoải mái vì quá trình khám có thể phải làm xét nghiệm, siêu âm, việc mang đồ rộng rãi giúp hai vợ chồng thoải mái trong di chuyển và thuận tiện hơn cho thăm khám.
Tại Phòng khám Chuyên khoa Phụ sản An Phúc, sau khi thăm khám bác sĩ không chỉ giải thích kết quả, chỉ ra nguyên nhân gây nên tình trạng vô sinh hiếm muộn của 2 vợ chồng mà còn đưa ra định hướng, phương pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp và đồng hành với các cặp vợ chồng trên hành trình tìm kiếm con yêu.
Các phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn
1. Thụ tinh nhân tạo – Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI)
Đây là phương pháp này được tiến hành bằng cách chọn lọc những tinh trùng khỏe nhất của người chồng để bơm vào buồng tử cung của người vợ tại thời điểm rụng trứng. Tinh trùng sẽ bơi vào ống dẫn trứng và thụ tinh với trứng của người vợ, quá trình thụ thai sẽ diễn ra như bình thường.
Phương pháp IUI thường được chỉ định tăng khả năng đậu thai với những cặp vợ chồng hiếm muộn do tinh trùng ít, yếu, lạc nội mạc tử cung nhẹ, có yếu tố không thuận lợi tại cổ tử cung… hoặc hiếm muộn không rõ nguyên nhân.
Quy trình thực hiện:
- Kích thích buồng trứng nhẹ → tiêm rụng trứng
- Lọc rửa tinh trùng → chọn tinh trùng khỏe → bơm vào tử cung sau tiêm rụng trứng 36h
- Uống thuốc hỗ trợ hoàng thể
- Thử que thử thai hoặc xét nghiệm beta-hCG sau 14 ngày
2. Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
Thụ tinh trong ống nghiệm là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được thực hiện phổ biến, trong đó tinh trùng và noãn được thụ tinh để tạo ra phôi trong phòng Lab.
Với thụ tinh ống nghiệm cổ điển hai giờ sau chọc hút, noãn được thụ tinh với mẫu tinh trùng mô phỏng lại quá trình thụ tinh tương tự như trong cơ thể của người mẹ. Sau một khoảng thời gian nuôi cấy, phôi được chuyển vào tử cung của người phụ nữ để mang thai.
3. Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI)
Kỹ thuật ICSI cũng tương tự như IVF cổ điển tuy nhiên ở giai đoạn trứng được lấy ra kết hợp với tinh trùng có sự khác biệt. Hai giờ sau chọc hút, các tế nào bên ngoài của noãn sẽ được loại bỏ để lựa chọn ra những noãn trưởng thành. Từng tinh trùng sẽ được tiêm vào từng noãn bằng kim ICSI. Đây là kỹ thuật tiên tiến và được áp dụng phổ biến ở những trung tâm hỗ trợ sinh sản trong nước và quốc tế.
Tùy thuộc vào nguyên nhân hiếm muộn của các cặp vợ chồng mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp để gia đình sớm đón con yêu.